Xu hướng thời trang tóc ở Việt Nam hiện nay mang nhiều ảnh hưởng từ các thị trường lớn như: châu Âu, Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Giống như một loại phụ kiện hay trang sức, mái tóc được xem là điểm nhấn quan trọng giúp định hình phong cách cá nhân, hoàn thiện tổng thể bên ngoài.
Ông Phạm Vũ Tùng, Giám đốc Marketing của tập đoàn CNG cho rằng, tại Việt Nam ngành thời tóc có nhiều dư địa để phát triển tuy nhiên lĩnh vực này còn chưa được khai thác hết tiềm năng.
Xu hướng thời trang tóc ở Việt Nam hiện nay mang nhiều ảnh hưởng từ các thị trường lớn như: châu Âu, Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Thời trang hiện nay không chỉ là quần áo đơn thuần. Thời trang đã trở thành một cách thể hiện bản thân, bản sắc thông qua cả trang phục, phụ kiện đặc biệt là cả mái tóc của mỗi người. Trên thế giới, ngành thời trang tóc hiện đang phát triển theo xu hướng nào, thưa ông?
Ngành thời trang tóc trên thế giới đang có những bước tiến vượt bậc, hướng đến việc không ảnh hưởng môi trường xung quanh và không làm hại sức khỏe mái tóc.
Các hãng làm đẹp đang theo đuổi xu hướng làm đẹp bền vững và có trách nhiệm, cụ thể cam kết nghiêm túc bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí carbon, sử dụng nguyên vật liệu tái chế và dùng hầu hết các sản phẩm chiết xuất từ thiên nhiên để làm nguyên liệu.
Trong các tuần lễ thời trang lớn trên thế giới, thời trang tóc luôn song hành cùng quần áo, giày dép và phụ kiện. Những xu hướng thời trang tạo cảm hứng cho thời trang tóc và ngược lại.
Trên thế giới, thời trang tóc rất được chú trọng, họ có những học viện đào tạo các nhà thiết kế tóc quy củ, khắt khe. Còn ở Việt Nam, dù được đánh giá là tiềm năng song thời trang tóc vẫn chưa khai thác hết dư địa, tạo được dấu ấn so với các lĩnh vực khác, thưa ông?
Thời trang tóc là ngành đang rất phát triển ở Việt Nam và có dư địa lớn, theo sát nhịp điệu thời trang thế giới. Xu hướng thời trang tóc ở Việt Nam hiện nay mang nhiều ảnh hưởng từ các thị trường lớn như: Châu Âu, Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Với khoảng 100 triệu dân, hiện Việt Nam có hơn 10.000 salon trong khi đó tại Nhật Bản với 125 triệu dân có tới 257.000 salon.
Từ đó, chúng ta có thể thấy số lượng salon trên một ngàn dân của Nhật Bản nhiều gấp hơn 20 lần tại Việt Nam, vì vậy tiềm năng phát triển ngành làm tóc được đánh giá rất lớn trong tương lai gần.
Hầu hết các hậu trường làm tóc trong show thời trang của các nhà thiết kế Việt như Adrian Anh Tuấn, Đỗ Mạnh Cường… đều được đảm nhiệm bởi các đội ngũ làm tóc từ các hãng chuyên nghiệp với sự tham gia của các nhà tạo mẫu đến từ Việt Nam và thế giới.
Ngoài ra, các show thời trang tóc độc lập như Davines Hair Show hay TIGI Show cũng mang đến những xu hướng, giải pháp và kỹ thuật mới cũng như giới thiệu nhiều gương mặt các nhà tạo mẫu tóc mới cho ngành làm đẹp này.
Trong khi các ngành thiết kế thời trang khác tại Việt Nam đã được đào tạo bài bản, được đưa vào chương trình học chính quy của nhiều trường Đại học lớn thì phần đào tạo cho ngành tóc vẫn nhỏ lẻ và manh mún. Đa số các học viên được truyền đạt kinh nghiệm từ những người thầy đi trước qua các khóa ngắn hạn và sau đó bắt tay vào làm nghề.
Gần đây, một số học viện của Việt Nam đã liên kết với các học viện nước ngoài để đào tạo về ngành tóc nhưng chưa thể so sánh với các nước phát triển.
Ở Nhật Bản, thợ làm tóc bắt buộc phải có bằng cấp và được đào tạo từ 2 đến 6 năm. Vì vậy việc các hãng phân phối sản phẩm làm tóc ở Việt Nam mang những kỹ thuật mới vào các khóa đào tạo từ cơ bản đến nâng cao là điều hết sức cần thiết và hữu ích cho người làm nghề.
Theo chuyên gia, các hãng làm đẹp đang theo đuổi xu hướng không ảnh hưởng môi trường xung quanh và không làm hại sức khỏe mái tóc.
Thưa ông, thời trang tóc có đặc thù gì so với các ngành thời trang khác như quần áo, phụ kiện,…?
Đặc thù của ngành làm tóc là liên quan đến sức khỏe của con người nên việc được đào tạo bài bản là rất cần thiết.
Sức khỏe ở đây là cả khách hàng và cả thợ làm tóc – người phải đứng làm việc trong môi trường hóa chất liên tục trong thời gian dài. Vì thế nên các sản phẩm phải an toàn trước khi tạo được xu hướng thời trang và làm con người thêm rực rỡ.
Hai năm Covid-19, ngành thời trang tóc nói chung và bản thân doanh nghiệp của ông đã vượt qua dịch bệnh và “hồi sinh” như thế nào?
Làm đẹp nói chung và làm tóc nói riêng là nhu cầu thiết yếu. Trong thời kỳ giãn cách xã hội, các salon buộc phải đóng cửa, nhưng ngành nghề vẫn luôn được duy trì dù vẫn có những khó khăn do tâm lý khách hàng thay đổi.
Khách hàng không muốn ở trong phòng kín quá lâu hay không muốn ngồi quá gần những khách hàng khác. Trải qua mùa dịch bệnh khó khăn, tình hình đang dần phục hồi với ngành làm tóc và chúng tôi không là ngoại lệ.
Chúng tôi theo đuổi xu hướng làm đẹp bền vững, cố gắng để công ty không phải lớn nhất mà là tốt nhất cho cộng đồng và nghề làm đẹp.
Chúng tôi có những chương trình nhỏ bé cùng với cộng đồng salon kêu gọi nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ đại dương.
Chúng tôi cũng cố gắng mang đến cho cộng đồng làm tóc những xu hướng mới nhất trên thế giới.
Chúng tôi cũng có những giải pháp làm đẹp cân bằng hơn, hiệu quả hơn, đến từ các nguyên liệu thiên nhiên, bền vững và có giá thành hợp lý. Vẻ đẹp bền vững sẽ là từ khóa cho ngành làm đẹp trong tương lai.
Nguồn: dantri
Picture:pinterest